Video: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của tòa tháp với những cổ vật 1.000 năm tuổi ở Hải Phòng
Không chỉ mang mục đích tôn giáo, tháp Tường Long (phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, TP Hải Phòng) còn có vai trò bảo vệ sự an nguy cho quốc gia. Tòa tháp này là đài quan sát của cha ông xưa nhằm bảo vệ bờ cõi phía đông bắc của Tổ quốc trước họa xâm lăng.
Tháp Tường Long được xây dựng từ thế kỷ XI, đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), trên đỉnh cao nhất của ngọn Long Sơn, một trong 9 ngọn thuộc hệ thống núi đồi của Đồ Sơn. Năm 1059, vua Lý Thánh Tông đặt tên tháp là Tường Long. (Ảnh: NSNA Đức Nghĩa).
Tòa tháp được biết đến như một Trung tâm văn hóa lịch sử lớn của Việt Nam dưới thời Lý . Cái tên Tường Long mang ý muốn ghi lại điềm lành. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia năm 2005. (Ảnh: NSNA Đức Nghĩa).
Tháp Tường Long thời Lý được xây dựng ở ngọn núi cao 126m so với mực nước biển, được coi là ngôi tháp cao nhất so với các công trình kiến trúc thời bấy giờ. Theo "Đại Nam nhất thống chí", tháp tường Long có 9 tầng, cao 100 thước (1 thước = 0,45m), dựng trên khu đất rộng 1.000m2.(Ảnh: NSNA Đức Nghĩa).
Vào thời nhà Lý (1010 – 1225), hàng nghìn công trình Phật giáo được xây dựng mà kỳ vĩ nhất là tháp Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long và tháp Tường Long ở Đồ Sơn. Về mặt phong thủy, người xưa lựa chọn nơi đặt tháp Tường Long là ở nơi có hướng tụ sơn tụ thủy.
Hướng "tả thanh long" của tháp chính là toàn bộ bán đảo Đồ Sơn, nơi có bãi tắm khu 2, bến Nghiêng, bến tàu ra đảo Hòn Dáu. Hướng "hữu bạch hổ" chính là con sông Văn Úc đổ ra cửa biển Văn Úc.
Tháp Tường Long hiện tại được bắt đầu phỏng dựng vào năm 2007, là công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, khánh thành ngày 19/11/2017.
Tháp có hình vuông, 9 tầng, cao 37,14m.
Vỏ tháp được xây bằng gạch gốm, cách trang trí đặc trưng thời Lý.
Các hoa văn, họa tiết rất tinh xảo, mềm mại.
Năm 1978, 1998, di tích tháp Tường Long được các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật nhằm nghiên cứu một cách toàn diện về ngọn tháp độc đáo này. (Ảnh tư liệu).
Theo kêt quả khảo cổ, tượng Phật A Di Đà của tháp Tường Long có kích thước, trang trí gống như tượng Phật A Di Đà của chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Hiện tượng Phật A Di Đà được phỏng dựng bằng đá ngọc nguyên khối đặt trong tầng 1 tháp Tường Long theo nguyên mẫu tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích.
Nền móng tháp Tường Long xưa hiện chỉ tồn tại dưới dạng di tích khảo cổ học. Nền móng tháp hình vuông, mỗi chiều 7,86m; bề dày của tường là 3m, đào sâu tới 2m vẫn chưa thấy hàng gạch cuối. Lòng tháp rỗng, nơi đặt bức tượng ngọc A Di Đà có diện tích 9m2.
Di tích khảo cổ học này được bảo vệ bởi nhà che hố khảo cổ.
Hiện ở đây có nhiều hiện vật quý giá như những mảnh ghép, những viên gạch xây dựng tường tháp Tường Long xưa. Đây là loại gạch có bề mặt mịn, được nung chín đều. Di vật được tìm thấy còn có các loại ngói như ngói mũi hài, ngói long máng và những mảnh đất nung khắc hình rồng trong lá đè.
Những mảnh ghép này đề hai dòng chữa Hán là “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.
Các hiện vật được tìm thấy ở tháp Tường Long, từ gạch xây tháp đến bệ đá hoa sen, con giống đất nung đến hiện vật hình rồng phượng… đều tiết lộ về phong cách nghệ thuật đời Lý với những đường nét trau chuốt, mềm mại.
Hiện nay, di tích khảo cổ học tháp Tường Long được biết đến như một địa điểm tiêu tiểu của văn hóa Việt Nam thời Lý – Trần trên vùng đất Hải Phòng. Việc phỏng dựng, bảo tồn, tôn tạo tháp Tường Long nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lưu truyền cho các thế hệ sau.
Hàng năm, tháp Tường Long đón hàng vạn lượt du khách về tham quan và chiêm bái. Bà Lưu Thị Huyền - Giám đốc Ban Quản lý di tích lịch sử, văn hóa quận Đồ Sơn - cho biết: "Về lượng khách chiêm bái tháp Tường Long dịp đầu xuân, năm 2018 có khoảng 90.000; và con số này tăng thành 200.000 năm 2019. Ngày càng đông người dân địa phương và các tỉnh khác tới đây chiêm ngưỡng những hiện vật cổ có tuổi đời nghìn năm ở đây".
Nguyễn Huệ - Minh Khang
Bình luận